Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Thái Tân - Huyện Nam Sách

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan Xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

​1- Vị trí địa lý:

Vị trí  tiếp giáp: phía Nam giáp với xã Minh Tân, phía Đông Nam giáp với xã Hồng Phongxã Nam Hồng, phía Bắc là xã An Sơn. Mặt phía Bắc và Tây Bắc, (phần thượng lưu sông Thái Bình là ranh giới), Thái Tân tiếp giáp các xã của huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh là: Lai Hạ (ở phía Bắc) và Minh Tân (Minh Tân Lương Tài). Phía Tây Nam xã Thái Tân là huyện Cẩm Giàng  (các xã Cẩm Văn (ở phía Tây Tây Nam) và Đức Chính (ở phía Nam Tây Nam), ranh giới là phần hạ lưu sông Thái Bình
 
Đơn vị hành chính gồm 6 thôn: Thôn Đình, Thôn Giữa, thôn Thượng, Thôn Mạc Bình, thôn Chu Đậu, Thôn Tân Thắng.

Xã Thái Tân có diện tích đất tự nhiên 849,44ha;  dân số có trên 2300 hộ, nhân khẩu  hơn 7300 người . Thái Tân  nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai được hình thành bởi sự bồi lắng phù sa của các sông Thái Bình. Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc thâm canh trong sản xuất nông nghiệp và phát triển một số ngành nghề khác.

2- Giao thông:

Xã Thái Tân tiếp giáp với tuyến đường chiến lược 5B, từ Cẩm giàng nối với quốc lộ 5A, đi qua thôn Chu Đậu, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Thái Tân có hệ thống giao thông thuận lợi: Đường sông dài 6 km, có bến đò Giám (Tân Thắng) sang Cẩm Giàng, Có tuyến đường từ thôn Mạc Bình nối với đường vành đai huyện ra đường dẫn cầu Hàn.

3- Lịch sử hình thành:

Địa danh Thái Tân có từ thế kỷ thứ X; trải qua các thời kỳ, tên gọi và địa giới hành chính của xã có sự thay đổi khác nhau, nhưng vẫn giữ được tên Thái Tân.

4- Phát triển kinh tế

Nghề lao động chính của người dân Thái Tân là sản xuất nông nghiệp. Có nhiều nghề thủ công truyền thống nổi tiếng lâu đời như: nghề gốm, sứ ở Chu Đậu, làm mỳ; nghề trồng cói, dệt chiếu...
 Những năm gần đây kinh tế của Thái Tân có tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thu nhập bình quân/người/năm đạt hơn 65 triệu đồng.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá với nhiều vùng sản xuất tập trung, quy vùng sản xuất cà rốt, dưa hấu, nuôi cá lồng, trồng cây ngưu bàng, cây ăn quả: bưởi Tân Thắng,...

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 5 doanh nghiệp, trong đó có 01 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2019 gốm Chu Đậu được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là làng nghề truyền thống và là 1 trong 5 điểm du lịch của huyện Nam Sách được UBND tỉnh công nhận. 
 Về xây dựng Nông thôn mới: Năm 2019, xã Thái Tân được công nhận là xã đạt Nông thôn mới. Năm 2021, xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

5- Văn hóa

Thái Tân là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt", có truyền thống hiếu học và khoa bảng, là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều nhân tài lỗi lạc, nhiều danh nhân văn hoá của quê hương, đất nước. Trong lịch sử, xã Thái Tân có 7 vị thi đỗ đại khoa gồm:

- Thám hoa Đinh Công Lưu sinh năm 1479, người làng An Dật, thi đỗ năm Bính Thìn triều Lê, khi mới 17 tuổi, được bổ nhiệm đến chức Đông các Đại học sỹ.

- Thám hoa Trần Vĩnh Tuy, người làng An Dật, thi đỗ Hội nguyên, Thám hoa, khoa Quý Sửu, niên hiệu Canh Thìn triều Mạc, làm quan tới chức Thị Lang;

- Tiến sỹ Đỗ Thanh Đào, người làng Chu Đậu, đỗ  khoa Giáp Thìn, làm quan tới chức Hàn lâm Đại học sỹ;

- Tiến sỹ Đào Lân Giáp, người Mạc Cầu, thi đỗ tiến sỹ triều Lê.

- Cụ Nguyễn Hồng Tiêu, (Chu Đậu) thi đỗ Hoàng Giáp, khoa Mậu Dần, năm Quang Thiệu, làm quan tới chức Hình bộ thị lang, thời Lê Chiêu Thống (1705).

- Cụ Phạm Công Huy thi đỗ Hoàng Giáp, khoa Kỷ Sửu, hiệu Minh Đức, triều nhà Mạc.

- Cụ Vương Hiền đỗ Tiến Sỹ, triều Lê

* Về hệ thống giáo dục: Xã Thái Tân có 3 trường học. Trường Mầm non được công nhận đạt chuẩn 2 năm 2019, Năm 2021 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc Gia mức độ 2. Trường Trung học đạt chuẩn mức độ 1.

Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế mức độ 2 năm 2015. 

- Người dân Thái Tân cần cù, sáng tạo, giàu nghị lực, yêu quê hương đất nước, có cuộc sống văn hoá tinh thần rất phong phú. Ở thôn đều có cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đình, chùa, miếu, nhà thờ với những kiến trúc đẹp, nét hoa văn tinh xảo. 

6- Truyền thống cách mạng

Thái Tân là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Qua các cuộc kháng chiến, 124 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh,trong đó Liệt sỹ chống Pháp là 37 người; liệt sỹ chống Mỹ là 73 người, liệt sỹ bảo vệ Tổ Quốc là 14 người; 89 thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh; 44 người nhiễm chất độc hóa học; 11 Mẹ được nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 4 Cán bộ tiền khởi nghĩa. 

7- Tôn giáo:

Trên địa bàn xã hiện có 02 tôn giáo (Phật giáo và Công giáo) hoạt động được pháp luật công nhận. Bà con lương giáo đoàn kết, chung sống hài hòa trong cộng đồng xã hội. Hiện trên địa bàn xã có 13 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; trong đó có 6 chùa: Chùa Mắc Khê (Thôn Đình), chùa Cả (thôn Thượng), chùa Mạc Bình, Chùa Kim Bảo (thôn Mạc Bình), Chùa Phúc Khánh (thôn Chu Đậu), Chùa An Thắng (thôn Tân Thắng); 4 Đình gồm: Đình An Dật (Thôn Giữa), Đình An Thắng, đình An Tân (thôn Tân Thắng), Đình Chu Đậu (thôn Chu Đậu); 2 nhà thờ gồm: nhà thờ Mức Cầu, nhà thờ Bình Giang (thôn Mạc Bình), 1 Miếu: Miếu Ông (thôn Giữa

8- Về tổ chức đảng, đảng viên

Chi bộ Đảng xã Thái Tân được thành lập vào ngày 2/4/1948, tại căn buồng nhà Ông Hoàng Danh Nhạc (Thôn An Dật) với 3 Đảng viên là: đồng chí Trần Thuỵ, đồng chí Đinh Xuân Đồng và đồng chí Nguyễn Văn Trang, chỉ định đồng chí Trần Thuỵ làm Bí thư chi bộ. Cuối năm 1949, chi bộ kết nạp được 55 Đảng viên mới, nâng tổng số Đảng viên lên 58 đồng chí. Năm 1949, chi bộ Thái Tân đã tiến hành tổ chức Đại hội chi bộ lần thứ nhất tại địa điểm nhà đồng chí Cảo (thôn An Dật). Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Đảng bộ, đến năm 2023 Đảng bộ xã Thái Tân có 283 Đảng viên tham gia sinh hoạt ở 12 chi bộ.
 ​